Tấm gương học đường





MÃI MÃI NHỚ VỀ NGƯỜI CHIẾN SĨ CÁCH MẠNG KIÊN TRUNG, ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN - HOÀNG LỆ KHA
Nhân kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 và Hướng tới Kỷ niệm 40 năm ngày thành lập trường THPT Hoàng Lệ Kha: 11/1981-11/2021

Hoàng Lệ Kha, tên thật là Hoàng Lệ Cẩn, còn có bí danh là Nguyễn Văn Tòng. Ông sinh vào tháng 11 năm Đinh Tỵ (1917) tại Thôn Trang Các, tổng Ngọ Xá, sau này là xã Hà Phong huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa ( hiện nay đã sát nhập về Thị trấn Hà Trung). Ông sinh ra trong một gia đình nhà Nho nghèo nhưng có truyền thống hiếu học. Cha ông là cụ Hoàng Lệ Châu. Thời Pháp thuộc cụ Châu đã từng làm Đội trạm (trạm trưởng Bưu điện). Người anh cả của cụ Hoàng Lệ Kha là Hoàng Lệ Thường từng làm Hiệu trưởng nhiều trường ở Thanh Hóa và Nghệ An. Năm 1952, ông làm trưởng ban bình dân học vụ tỉnh Thanh Hóa, ông bị địch giết hại trong một lần đi công tác tại huyện Nga Sơn.
Thuở nhỏ, ông Kha học hành chăm chỉ. Năm 1932 ông tốt nghiệp tiểu học tại phủ Hà Trung. Năm 1933, ông đỗ vào trường Bách nghệ Hà Đông (Quận Hà Đông- Hà Nội ngày nay). Được học tại trường, ông tích cực tham gia phong trào hoạt động yêu nước trong học sinh, sinh viên. Năm 1936, cụ Kha được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương ngay trong trường học. Sau khi tốt nghiệp, ông vào làm việc ở Sở Cai-đát (địa chính) tỉnh Hà Đông. Năm 1939 ông được tổ chức Đảng bí mật chuyển vào Nam bộ công tác. Lúc đầu, ông hoạt động trong các tổ chức sinh viên và Đoàn thanh niên cứu quốc Sài Gòn- Chợ Lớn- Gia Định. Giai đoạn 1946 -1954 ông giữ các chức vụ: Tỉnh đội trưởng dân quân, Trưởng ty thông tin, Trưởng ty kinh tế Canh nông, Tỉnh ủy viên tỉnh ủy Gia Định.
Sau năm 1954, ông được giao nhiệm vụ tiếp tục ở lại Miền Nam tổ chức đấu tranh đòi chính quyền thực dân Pháp thực hiện nghiêm chỉnh các điều khoản trong Hiệp định Giơnevơ. Lúc này, ông tiếp tục giữ các chức vụ: Ủy viên ủy ban kháng chiến tỉnh Gia Định, Quận ủy quận Châu Thành tỉnh Tây Ninh; Tỉnh ủy viên phụ trách thị xã Tây Ninh, Ủy viên Thường vụ tỉnh ủy Tây Ninh. Năm 1956, cụ Kha tròn 39 tuổi- ông làm Bí thư tỉnh ủy tỉnh Tây Ninh. Ông hoạt động trong một điều kiện khó khăn và luôn luôn bị kẻ thù lùng sục vây bắt. Đặc biệt, từ khi Mỹ thế chân Pháp, chúng tìm mọi cách để tiếp sức cho chính quyền ngụy tay sai ở Miền Nam. Chúng phá bỏ Hiệp định Giơnevơ và ra sức đàn áp phong trào đấu tranh, chúng thủ tiêu thô bạo, bắt bớ vô cớ nhiều cán bộ đảng viên và những người dân yêu nước. Chúng ra sức thị uy và tô vẽ quyền lực cho chính quyền độc tài thối nát như: chúng cho ra đời Luật 10/59 (Ngô Đình Diệm ký luật này ngày 06 tháng 5 năm 1959), cứ thế chúng cứ lê máy chém và thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng.
Ngày 05 tháng 08 năm 1959 (tức là ngày 02 tháng 07 năm Kỷ Hợi) Bí thư tỉnh ủy Hoàng Lệ Kha đến dự Hội nghị thị xã ủy. Tại hội nghị này, ông đã đi sâu phân tích diễn biến tình hình và chỉ rõ âm mưu thâm độc của Mỹ- Ngụy là chúng đang đẩy mạnh tố cộng diệt cộng. Đồng thời, ông đã chỉ đạo, phổ biến một số chủ trương cấp bách, vận động nhân dân chống lại âm mưu thủ đoạn đen tối của chúng. Theo kế hoạch, sau Hội nghị thị xã ủy, Bí thư tỉnh ủy Hoàng Lệ Kha sẽ đến dự và phổ biến chủ trương, chỉ đạo ở huyện ủy Châu Thành. Nhưng, kế hoạch không thành vì ông bị bọn mật vụ của ngụy quyền tỉnh Tây Ninh phát hiện ra ông và chúng tổ chức vây bắt.
Trước nguy cơ sống còn của một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt của thị xã ủy, ông ra lệnh: Tất cả chiến đấu mở đường máu rút lui bảo toàn lực lượng. Đồng thời, ông phán đoán địch chỉ phát hiện ra ông chứ chưa biết có hội nghị. Lúc này, ông đã hô to: Các vị trí chiến đấu nổ súng đánh địch.Bọn giặc nghe tiếng hô tưởng ta đông và có lực lượng thật nên chúng đã nằm im chờ đợi. Lợi dụng thời gian đó, các đồng chí của ta đã chạy thoát. Riêng Bí thư Tỉnh ủy vì bảo vệ đồng đội của mình nên ông vừa chạy vừa hô xung phong để thu hút địch. Bọn chúng trông rõ ông nên tập trung bao vây. Ông đã chống trả quyết liệt để kéo dài thời gian cho đồng chí, đồng đội vượt ra khỏi vòng hiểm nguy của chúng. Cuối cùng Hoàng Lệ Kha đã sa vào vòng vây của kẻ địch.
Bị địch bắt, chúng đã tra tấn vô cùng dã man nhưng không khai thác được gì; chúng lại chuyển sang mua chuộc, dụ dỗ nhưng đều vô hiệu hóa. Thế rồi, ngày 02 tháng 08 năm 1959 chúng đưa ông ra tòa án quân sự đặc biệt. Với ý định, hễ tòa tuyên xong là thi hành chứ không được kháng án. Nhưng vì dư luận kịch liệt phản đối đặc biệt là Miền Bắc lúc này có sự can thiệp của Ủy ban Quốc tế nên chúng tạm dừng việc giết ông Kha, chúng đưa ông Kha về khám Chí Hòa - nơi giam tù nhân vô cùng hà khắc, nhất là với án tử hình.
Thế rồi, bất chấp mọi dư luận phản đối, ngày 12 tháng 03 năm 1960, kẻ thù đã đưa ông Hoàng Lệ Kha xử tử bằng máy chém theo luật 10/59 của chính quyền Ngô Đình Diệm. Hình ảnh ông Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Hoàng Lệ Kha hiên ngang lên đoạn đầu đài đến tận hôm nay còn in mãi trong tâm khảm mỗi người dân Tây Ninh nói riêng và người dân đất Việt nói chung: Ông thản nhiên, hiên ngang, sắc mặt không hề thay đổi. Kẻ thù phải khiếp đảm trước khí phách hiên ngang của người chiến sĩ Cộng sản. Kẻ bấm nốt chiếc máy chém để hành quyết ông Kha là tên đao phủ hèn mạt Phan Văn Phối (tức Tự Phối), mấy ngày sau hắn cứ lên cơn như điên như dại, cuối cùng hắn phải chui đầu vào chùa sám hối, rồi bỏ luôn cái nghề mà hắn phải thừa nhận là mạt hạng và thất đức nhất..
Hoàng Lệ Kha là nhà hoạt động cách mạng sôi nổi ngay từ khi còn học trong trường; 19 tuổi vào Đảng Cộng sản, 22 tuổi rời quê hương vào Nam theo sự phân công của Đảng. Từ những năm 1939-1960 ông được giao nhận nhiều nhiệm vụ quan trọng và cũng gặp vô vàn khó khăn, gian khổ, hiểm nguy. Nhưng dù trong bất kỳ tình huống nào ông cũng tỏ rõ lòng trung thành với Tổ Quốc, với nhân dân, với Đảng. 37 năm sau, Hoàng Lệ Kha đã được Đảng và Nhà nước truy tặng Bằng Tổ quốc ghi công; danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang; Huân Chương Độc lập Hạng Nhất; Huân Chương kháng chiến Hạng Nhất.
Ở Miền Nam từ ngày thống nhất đất nước, có rất nhiều địa phương (nơi ông Hoàng Lệ Kha từng hoạt động trong những năm tháng kháng chiến) đã chọn đặt tên ông cho những đường phố, bệnh viện, nhà in... Tại Tây Ninh hôm nay, nơi ông hiên ngang trước máy chém có khu tưởng niệm Hoàng Lệ Kha và một trường chuyên THPT Hoàng Lê Kha. Tại huyện Lấp Vò, nơi giáp ranh hai tỉnh Đồng Tháp - Cần Thơ cũng có Đài tưởng niệm Hoàng Lệ Kha với bức tượng bán thân cỡ lớn bằng xi măng cốt thép, đằng sau bức tượng là tấm phù điêu lớn đẹp, vững chãi, uy nghi. Hiện nay, trên quê hương Hà Trung Thanh Hóa, nơi sinh ra cụ ông có một ngôi trường mang tên trường THPT Hoàng Lệ Kha, tại tiểu khu III, thị trấn Hà Trung - Thanh Hóa và một đường phố mang tên đường phố Hoàng Lệ Kha.
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, thời gian có thể xóa nhòa đi tất cả, song tấm gương người cộng sản, Bí thư tỉnh ủy Tây Ninh- Hoàng Lệ Kha, người con của quê hương Hà Trung Thanh Hóa vẫn được nhân dân và các thế hệ gìn giữ, học tập, noi theo. Tên tuổi và sự nghiệp cứu nước của liệt sĩ Hoàng Lệ Kha đã trở thành bất tử.
Tháng 07 năm 2010 trường THPT Hoàng Lệ Kha vinh dự được gặp lại gia đình cụ Hoàng Lệ Kha về thăm trường. Cụ bà Nguyễn Thị Nghi (vợ ông Kha) đã 83 tuổi nhưng còn rất nhanh nhẹn, minh mẫn. Gia đình cụ Nghi hiện nay đang sinh sống tại phố Hồ Chí Minh. Cụ Nghi tâm sự: Gia đình Cụ Kha có 04 người con: anh Hùng, anh Hổ, chị Kiếm, anh Dũng. Trong những năm cụ Hoàng Lệ Kha đi hoạt động cách mạng thì cụ bà Nguyễn Thị Nghi rất tích cực giúp chồng. Bà làm nghề thư ký đánh máy cho ty Thông tin ở Gia Ninh, có kẻ xấu báo việc làm của bà Nghi với kẻ thù; rồi chúng bất ngờ ập đến bắt bà đi, chúng khảo tra đánh dập dã man trong khi bà đang mang thai. Trong những năm tình hình căng thẳng, bà rất ít được gặp ông Kha. Từ ngày ông Kha bị xử tử đến nay, bà vẫn ở vậy nuôi các con trưởng thành. Con cháu của cụ Kha hiện nay đã và đang công tác tại phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Khánh Hòa. Tất cả đều có chung một niềm tự hào về cụ Kha - Người chiến sĩ cộng sản kiên trung.
Điều chúng tôi vô cùng cảm động là hiện nay gia đình cụ dù ít về thăm quê, thăm trường nhưng hàng năm con cháu gia đình cụ luôn hướng về trường, hỗ trợ cho những học sinh nghèo vượt khó, mỗi năm 30.000.000( ba mươi triệu đồng).
Tháng 7/2019, nhân một chuyến tham quan của tập thể CBGV-NV nhà trường, cùng với các anh chị cựu học sinh khóa XVI, chúng tôi lại được đến dâng hương liệt sĩ Hoàng Lệ Kha tại gia đình và thăm cụ bà Nguyễn Thị Nghi. Dẫu tuổi quá cao, sức yếu nhưng cụ vẫn còn minh mẫn nhận ra chúng tôi và kể chuyện về liệt sĩ, về gia đình, quê hương. Buổi gặp gỡ cùng gia đình cụ không nhiều nhưng đã để lại cho nhà trường nhiều kỷ niệm!
Trường THPT Hoàng Lệ Kha_Hà Trung
Vinh dự ngôi trường đựợc mang tên một chiến sĩ cách mạng kiên trung, trường THPT Hoàng Lệ Kha đã có bề dày lịch sử 40 năm xây dựng và phát triển. Với một đội ngũ nhà giáo tài năng tâm huyết, nhà trường đã đào tạo cho 14660 học sinh tốt nghiệp bậc THPT, trong đó có hơn 4000 học sinh vào Đại học; 10 học sinh giỏi Quốc gia và Khu vực, có gần 1000 học sinh giỏi cấp tỉnh. Một trong những niềm tự hào lớn nhất của trường cấp III Trung Sơn- THPT Hoàng Lệ Kha là các thế hệ học sinh sau khi rời ghế nhà trường đã nỗ lực phấn đấu trở thành những cán bộ của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành, Đoàn thể từ trung ương đến địa phương. Có anh chị đã phấn đấu là các nhà khoa học, PGS-TS, là những cán bộ quản lý tài năng, những doanh nhân thành đạt. Dù ở cương vị nào, làm gì, ở đâu, hàng năm các anh chị vẫn luôn hướng về mái trường, vẫn dõi theo sự phát triển của nhà trường và tặng nhiều phần quà góp phần tăng cường cơ sở vật chất và khuyến học, khuyến tài. Cùng với vinh dự và niềm tự hào đó, trách nhiệm của thầy và trò trường THPT Hoàng Lệ Kha hôm nay sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách để thực hiện nhiệm vụ cao cả trong sự nghiệp "Trồng người"; tiếp tục thi đua Dạy tốt - Học tốt, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, góp phần đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo hiện nay, xứng đáng với ngôi trường mang tên người chiến sĩ Cách mạng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân - Hoàng Lệ Kha!
( Nhà giáo: Đặng Thị Hiền- Phó Hiệu trưởng - Chủ tịch Công đoàn trường)
Tin khác
Tin nóng
Xem nhiều
Tin mới


