Tuyên truyền 40 năm ngày nhà giáo Việt Nam

Đăng lúc: 14:17:16 22/11/2022 (GMT+7)

Nghề cao quý và những sản phẩm cao quý của Trường THPT Hoàng Lệ Kha trong hơn 40 năm xây dựng và phát triển

    
 NGHỀ CAO QUÝ VÀ NHỮNG SẢN PHẨM CAO QUÝ CỦA
TRƯỜNG THPT HOÀNG LỆ KHA, HUYỆN HÀ TRUNG
(Bài tuyên truyền nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982-20/11/2022)
           (Tống Thị Bích: P.BT Đảng bộ - PHT Trường THPT Hoàng Lệ Kha )
        Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vị trí, vai trò của người thầy – Những người mở trí, khai tâm cho con người, Người nói: “Nhiệm vụ thầy giáo rất vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục…Không có giáo dục thì không nói gì đến kinh tế, văn hóa”.Vì thế nghề dạy học được coi là một nghề cao quý trong xã hội và vẫn luôn được quý trọng, đề cao và được toàn xã hội tôn vinh. Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói:“nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo vì nó đã sáng tạo ra những con người sáng tạo”. Vì dạy học không chỉ là dạy “chữ” mà còn dạy “người” và dạy ra những con người sáng tạo, dạy cho học trò đạo lý làm người. Nghề dạy học không giống bất cứ một nghề nào khác, nó vừa có những đặc điểm chung của các nghề lao động trí óc khác nhưng lại có những nét đặc thù riêng. Vì thế, để có thể có được “sản phẩm cao quý” hơn hết bản thân người thầy cũng phải là một “sản phẩm cao quý”.
            Sự khác biệt đầu tiên của nghề dạy học là đối tượng lao động của người thầy giáo là nhân cách, tâm hồn và thể chất con người nói chung và thế hệ trẻ nói riêng. Người thầy phải có trách nhiệm làm cho nhân cách con người ngày càng phát triển tốt hơn. Vì đối tượng của nghề dạy học là con người nên đòi hỏi người thầy giáo phải lao động nghiêm túc, phải tạo ra được sản phẩm có chất lượng, không được phép có “ phế phẩm”. Giáo sư Nguyễn Văn Lê đã từng nói: “ Nếu người thợ kim hoàn làm hỏng một đồ vàng bạc thì anh ta có thể đem ra nấu lại, nếu một viên ngọc quý bị hư thì có thể phá bỏ. Nhưng hạt kim cương lớn nhất cũng không thể quý hơn một con người sẽ ra đời, làm hư một con người là một tội lớn không thể chuộc lại được”.
Nghề dạy học còn khác biệt về công cụ lao động. Công cụ lao động của nghề dạy học đó là chính bản thân người thầy giáo, đó là toàn bộ nhân cách của thầy giáo với những phẩm chất đạo đức trong sáng với năng lực trí tuệ dồi dào và các phương tiện dạy học cần thiết. Cũng theo giáo sư Nguyễn Văn Lê “ Người thầy giáo dạy người chủ yếu bằng bản thân con người mình”. Đó là “tính biện chứng của lao động sư phạm”. Nếu trong lĩnh vực sản xuất vật chất, công cụ lao động là những vật dụng cụ thể và người lao động sử dụng chúng, tác động lên đối tượng lao động của mình để cho ra sản phẩm thì trong nghề dạy học phần lớn công cụ lao động của người thầy lại chính là thành phần gắn bó hữu cơ với chính bản thân người thầy, đó là: Tri thức, năng lực thiết kế, nhân cách của chính mình…Người công nhân làm ra sản phẩm bằng cái máy, chiếc búa, cái đe,…còn thầy giáo dạy người tất nhiên cũng cần bảng, cần phấn, cần sách, và ngày nay còn cần cả các máy móc hỗ trợ,…Nhưng trên hết vẫn là nhân cách, phẩm chất và năng lực, dạy học bằng cả “tâm” và “tầm” của bản thân người thầy.
Nghề dạy học còn đặc biệt hơn các nghề khác về phương pháp lao động.  Ngoài phương pháp dạy học theo phương pháp luận khoa học còn có phương pháp nêu gương của bản thân. Người thầy cảm hoá học trò bằng tư tưởng, tình cảm của mình, “thầy nào, trò ấy”, người thầy giáo chân chính luôn là tấm gương sáng cho học trò. Xưa kia, có các nhà giáo nêu cao tấm gương khí tiết, giàu sang không mềm lòng, uy vũ không khuất phục, không thoả hiệp với bọn bất nhân, bất nghĩa, suốt đời sống thanh liêm, trong sạch như các nhà giáo: Chu Văn An, Lê Quý Đôn, Nguyễn Bỉnh Khiêm,…Ngày nay tuyệt đại đa số các thầy giáo, cô giáo vẫn giữ được phẩm chất giản dị, trong sạch, bền bỉ vượt qua mọi thử thách, luôn giữ mình trước mọi cám dỗ về vật chất, là tấm gương sáng cho học sinh noi theo.
Sản phẩm của nghề dạy học, cũng khác biệt so với những nghề khác-Sản phẩm đólà trí tuệ, là nhân cách trong những con người. Đó là những con người có sự biến đổi về chất so với thời điểm xuất xứ của họ xét về nhân cách và trí tuệ. Với sản phẩm cao quý này, theo quan điểm kinh tế thì đây là một dạng lao động sản xuất đặc thù - Lao động sản xuất phi vật chất. Chính vì vậy sản phẩm mà nghề dạy học tạo ra đòi hỏi không có “phế phẩm”, không được phép “lỗi sản phẩm”. Bởi lẽ, như triết gia cổ Hy lạp PLaTông đã nói hài hước như sau: “ Nếu người thợ giày là thợ tồi thì quốc gia không lo lắng về điều đó, dân chúng chỉ phải xỏ những đôi giày kém một chút. Nhưng nếu thầy giáo là người dốt nát, vô luân thì trên đất nước sẽ xuất hiện cả một thế hệ kém cỏi và những con người xấu xa…”
Như vậy, nghề dạy học thật đặc biệt - Một nghề mà đầu vào và đầu ra của sản phẩm đều là con người, với những đặc điểm riêng biệt đó làm cho nghề dạy học trở thành nghề cao quý và sáng tạo. Vì yêu thương con người mà các các nhà giáo đã tự nguyện nhận trọng trách xây dựng con người “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau” bằng tất cả trái tim, nghị lực và niềm say mê sự nghiệp trồng người. Luôn thấy hết tầm quan trọng của giáo dục và tự hào về nghề cao quý, cố thủ tướng Phạm Văn Đồng trong bài viết của mình về giáo dục đã nhấn mạnh: “Từ thời ấu thơ cho đến tuổi trưởng thành trong quá trình hoạt động cách mạng cho đến nay, tôi rất coi trọng giáo dục, ham mê giáo dục, coi đó là nhân tố có tầm quan trọng bậc nhất góp phần làm nên lịch sử của một dân tộc của cả loài người từ đồ đá đến nay, nghề dạy học thật là cao quý biết bao”.
Thành lập năm 1981-Trường PTTH Trung Sơn (nay là THPT Hoàng Lệ Kha), huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá đã trải qua hơn 40 năm xây dựng và phát triển. Thấm nhuần lời dạy của Chủ Tich Hồ Chí Minh và cố thủ tướng Phạm văn Đồng và vì yêu thương con người, các thế hệ CBGV, nhân viên nơi đây luôn nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của nghề dạy học. Vì vây, hơn 40 năm qua, các thế hệ nhà giáo nơi đây luôn rèn đức, luyện tài, nỗ lực tự học, tự rèn luyện để luôn “sáng về tâm”, “xứng về tầm” góp phần tạo nên những “sản phẩm cao quý” đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục.
 Chặng đường đầu 10 năm đầu xây dựng(1981-1991), là giai đoạn trường PTTH Trung Sơn (đóng trên địa bàn xã Hà Toại, huyện Hà Trung)- Một ngôi trường được xây dựng thời bao cấp ở một miền quê thuần nông, nền kinh tế khó khăn, đời sống cán bộ giáo viên rất chật vật, đồng lương quá ít ỏi, không đủ phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày. Vượt lên mọi khó khăn, thử thách, những người thầy nơi đây luôn trăn trở đổi mới cách nghĩ, cách làm, hướng tới mục tiêu thi đua “dạy tốt, học tốt” và đã có những đóng góp đáng tự hào đối với sự nghiệp giáo dục: Chất lượng dạy học không ngừng được nâng cao, số học sinh đậu tốt nghiệp hàng năm đều đạt tỷ lệ trên 85%- 98%. Tỷ lệ học sinh vào đại học, cao đẳng tuy không nhiều như hiện nay nhưng năm sau cao hơn năm trước. Số lượng học sinh giỏi cấp tỉnh hàng năm đều đạt, riêng học sinh giỏi môn văn có năm xếp thứ nhất, thứ nhì, thứ 3 toàn tỉnh. Công tác xây dựng Đảng đã được cấp uỷ thường xuyên chăm lo, chú trọng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức (từ 05 đảng viên năm 1981, đến năm 1986 chi bộ đã có 14 đảng viên).
           Năm 1991, nhà trường chuyển lên thị trấn Đò Lèn với tên gọi mới - Trường PTTH Hoàng Lệ Kha. Trong 10 năm tiếp theo (1991-2001), đất nước đã qua thời bao cấp nhưng nền kinh tế vẫn đang còn khó khăn, đồng lương giáo viên có được cải thiện một bước nhưng vẫn chưa đảm bảo cuộc sống. Các thầy cô giáo, ngoài giờ lên lớp, có thầy cô giáo còn phải đi bốc vác ở kho lương thực, làm hàng sáo ở chợ Lèn để cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, những người cộng sản kiên trung nơi đây vẫn vượt lên mọi khó khăn, gian khổ lãnh đạo chính quyền, đoàn thể trong nhà trường đưa phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” vào quỹ đạo chung của sự nghiệp giáo dục: Quy mô trường lớp và số học sinh ngày càng tăng. Tổng số học sinh tốt nghiệp hàng năm đạt 98-99%. Năm học 1993-1994 là năm đăng quang của nhà trường về học sinh giỏi cấp tỉnh, học sinh: Nguyễn Ngọc Hoá đạt 3 giải nhất cấp Tỉnh các môn Toán, Lý, Hoá. Trong 4 năm liền từ 1991-1995 trường liên tục đạt danh hiệu trường tiên tiến cấp huyện, cấp tỉnh.
DH chi bo.jpg
  (Đại hội Chi bộ Trường THPT Hoàng Lệ Kha lần thứ 12, nhiệm kỳ 2003-2005)
         Bước vào thế kỷ XXI - Thế kỷ của nền kinh tế tri thức. Sự nghiệp CNH, HĐH đất nước đòi hỏi những con người có “thực tâm” và “thực tài”. Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đặt giáo dục đào tạo lên vị trí “quốc sách hàng đầu”. Bức tranh toàn cảnh của huyện Hà Trung đang có nhiều khởi sắc trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Trường THPT Hoàng Lệ Kha có thêm những thuận lợi cơ bản: Cấp uỷ Chi bộ được tăng cường lên 5 đồng chí , bí thư Chi bộ là đồng chí : Cù Thị Nhung- Một cán bộ nữ có năng lực, có “tâm”, có “tầm” và có uy tín cao trong đồng nghiệp, các thế hệ học sinh và nhân dân địa phương. Đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường trẻ và năng động, cơ sở vật chất trường học được tăng cường, giáo dục và đào tạo được toàn xã hội quan tâm. Cấp uỷ Chi bộ, cán bộ, đảng viên và đội ngũ giáo viên nhà trường ra sức thi đua xây dựng nhà trường phát triển đạt được nhiều thành tích nổi bật toàn diện: Quy mô trường lớp ngày càng tăng, có thời điểm nhà trường phát triển lên tới 43 lớp (năm học 2006-2007). Cơ sở vật chất nhà trường ngày càng khang trang sạch đẹp, công nghệ thông tin được áp dụng rộng rãi vào công tác quản lý và hoạt động day-học. Tỉ lệ học sinh giỏi toàn diện tăng hàng năm, tỉ lệ đậu tốt nghiệp có năm đạt 100%, học sinh đạt giải cấp tỉnh trong 5 năm học là : 248 giải. Đặc biệt trong 02 năm liên tục, năm 2003-2004 và 2004-2005 nhà trường có 02 học sinh đạt giải quốc gia môn giải toán bằng máy tính Casio(Em: Nguyễn Ngọc Linh và em: Mai Văn Khánh). Tỉ lệ học sinh thi đậu đại học, cao đẳng hăng năm không ngừng tăng lên.
        Nhiệm kỳ 2005-2010 đánh dấu bước phát triển mới mang tính đột phá về chất lượng của trường THPT Hoàng Lệ Kha. Nhà trường không ngừng phát triển toàn diện. Cơ sở vật chất được tăng cường, đội ngũ cán bộ giáo viên ngày càng được bổ sung. Chất lượng giáo dục toàn diện được tăng lên, nhất là giáo dục mũi nhọn. Trong hai năm liên tục: Năm học: 2008-2009 và 2009-2010 nhà trường liên tục có học sinh đạt giải Quốc gia (02 giải Ba Quốc gia môn Vật Lý: Học sinh Hoàng Hồng Phong và học sinh Trịnh Văn Sơn và 01 giải Nhì môn Hoá học: Học sinh Nguyễn Văn Hoà). Năm học 2009-2010 nhà trường vinh dự được đón nhận Bằng khen của Tỉnh uỷ Thanh Hoá (QĐ số:1695 QĐ/TU ngày 01/4/2010) và UBND Tỉnh Thanh Hoá tặng cờ: Đơn vị dẫn đầu khối THPT (QĐ số: 2786/QĐ-UBND ngày 11/8/2010).      
       Trên cơ sở sự phát triển và trưởng thành của Chi bộ, kết hợp với những thành tích nhà trường đạt được, Ngày 21 tháng 4 năm 2010, được sự đồng ý của Huyện uỷ Hà Trung - Chi bộ trường THPT Hoàng Lệ Kha được nâng cấp thành Đảng bộ. với tên gọi: Đảng bộ Trường THPT Hoàng Lệ Kha. Nhiệm kỳ 2010-2015 BCH đảng bộ gồm có 07 đồng chí do đồng chí Tống Thái Bằng là bí thư Đảng bộ - Hiệu trưởng nhà trường. Bí thư Đảng bộ là người có bề dày thành tích và kinh nghiệm trong chuyên môn, tiếp tục chỉ đạo nhà trường tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và coi trọng giáo dục mũi nhọn- Những trang sử vàng về thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia vẫn được viết tiếp và tô đậm thêm: Nhà trường có 01 học sinh đạt giải nhì quốc gia môn Hoá học( Em: Nguyễn Quốc Việt),01 học sinh đạt giải ba quốc gia môn Vật Lý( Em: Nguyễn Văn Duy), 02 giải nhì quốc gia môn cờ vua của học sinh : Mai Thanh Phương và 01 giải ba quốc gia “ Giai điệu tuổi hồng” của học sinh: Nguyễn Thị Diệu Hiền. Số học sinh giỏi cấp tỉnh từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015 là 461 giải. Tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường đại học tăng nhanh từ 40-60%/ năm. Năm học 2014-2015 có 5 học sinh đạt 27 điểm tổ hợp các môn xét tuyển đại học. Năm 2011, nhà trường tròn 30 năm và vinh dự được đón nhận Huân chương lao động hạng Ba- Phần thưởng cao quý của Nhà nước trao tặng. Các tổ chức Công Đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội chữ thập đỏ,…đều đạt được những thành tích xuất sắc, được nhận Bằng khen của các cấp từ Trung ương đến địa phương.
          Nhiệm kỳ 2015-2020, công tác tổ chức cán bộ có sự thay đổi - Tháng 8/2016 Đồng chí Tống Thái Bằng - Bí thư Đảng bộ, hiệu trưởng nhà trường chuyển công tác. Đồng chí Nguyễn Văn Xuân - Bí thư, hiệu trưởng từ đơn vị khác chuyển về tiếp tục kế tục sự nghiệp lãnh, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhà trường.- Cán bộ trẻ, năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Tiếp nối các thế hệ lãnh đạo tiền nhiệm, bí thư và các đồng chí cấp uỷ tiếp tục lãnh đạo Đảng bộ duy trì , giữ vững mối đoàn kết , thống nhất trong Đảng và cơ quan. Công tác xây dựng Đảng luôn được coi trọng - Đảng bộ đã chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ chính trị về Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minhgắn với Nghị quyết TW4(khoá XII) của Đảng. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả NQ số 29-NQ/TW Hội nghị BCH TW 8( Khóa XI) về “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế” và các cuộc vận động lớn của ngành giáo dục,...Cấp uỷ, BGH đã lãnh đạo nhà trường phát huy sức mạnh nội lực, khắc phục mọi khó khăn thách thức, thực hiện tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua, đạt được nhiều kết quả toàn diện: Số học sinh giỏi cấp Tỉnh trong 5 năm (2016-2020) là: 242 giải. Tỷ lệ tốt nghiệp và học sinh vào đại học ngày càng tăng, nhà trường luôn là địa chỉ tin cậy của nhân dân các địa phương trong huyện.
DH Dang bo 22-25.jpg
 
(BCH Đảng bộ  nhiệm kỳ: 2020-2025 nhận nhiệmvụ)
         Nhiệm kỳ mới ( 2020-2025) - Trường THPT Hoàng Lệ Kha bước sang tuổi 40 trước nhiều khó khăn thử thách: Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động dạyhọc; Kinh tế toàn cầu bước vào thời kỳ suy thoái do dịch bệnh kéo dài; Sự nghiệp đổi mới giáo dục tiếp tục đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của cả thầy và trò; CSVC hiện có của nhà trường đang còn khó khăn, thiếu thốn và ngày càng xuống cấp…Tuy nhiên, bên cạch những khó khăn đó, niềm vui vỡ oà khi trường nhận được những tình cảm, sự quan tâm đặc biệt của Đảng, chính quyền, nhân dân huyện Hà Trung và các thế hệ cựu học sinh:Ngày 19/11/2021 ngôi trường mới đã chính thức được khởi công xây dựng để trường được chuyển về địa điểm mới thuận lợi hơn và đảm bảo các điều kiện xây dựng trường chuẩn Quốc gia; Năm 2021- Lễ kỉ niệm 40 năm thành lập trường không tổ chức được vì dịch bệnh nhưng đã có rất nhiều thế hệ cựu học sinh đã trở về trường, tri ân thầy cô và mái trường…Niềm vui đó đã tạo thêm sức mạnh để thầy và trò vượt qua mọi khó khăn, không ngừng nỗ lực, không ngừng cố gắng vươn lên, đẩy mạnh phong trào thi đua“ hai tốt” vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch, vừa thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.Với tỉ lệ đảng viên chiếm 83%, Đảng bộ lãnh đạo nhà trường đoàn kết, thống nhất, quyết tâm thực hiện và hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Trường THPT Hoàng Lệ Kha lần thứ III đã đề ra.
Khoi cong.jpg
 
(Tỉnh uỷ viên, bí thư huyện uỷ: Trần Duy Bình và các đ/c lãnh đạo Huyện uỷ, UBND huyện, nhà thầu và HT nhà trường động thổ khởi công XD trường mới)
        Phấn khởi với niềm vui chuẩn bị có ngôi trường mới đẹp, bề thế, chuẩn quốc gia và để xứng đáng với sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Hà Trung, thầy và trò nơi đây tiếp tục ra sức thi đua dạy tốt, học tốt hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tiếp tục nhận thức rõ: “ Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, công tác bồi dưỡng các đội tuyển học sinh giỏi luôn luôn được cấp uỷ, BGH và các thầy, cô giáo nơi đây đặc biệt coi trọng. Năm học 2020-2021 tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 99,74%. Trong đó có 01 học sinh có điểm khối C cao nhất Tỉnh ( Em: Nguyễn Thanh Tùng), nhiều em đạt từ 27 điểm trở lên 3 môn tổ hợp xét tuyển Đại học. Kết quả thi HSG cấp tỉnh có 34 giải HSG văn hóa, xếp thứ 31( tăng 14 bậc) trong đó môn Toán xếp thứ Nhì toàn tỉnh (Sau trường chuyên Lam Sơn): 02 nhất, 02 nhì, 01 ba/ 05 học sinh dự thi; Có 1 học sinh đạt giải Khuyến khích kỳ thi Tin học trẻ toàn tỉnh; 10 giải HSG thể dục thể thao.Với sự nỗ lực cố gắng của cả thầy và trò, một lần nữa trường đã vinh dự được UBND Tỉnh Thanh Hoá tặng cờ: Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua của UBND Tỉnh Thanh Hoá(QĐ số: 4196/QĐ-UBND ngày 25/10/2021).Hướng tới 40 năm ngày nhà giáo Việt Nam20/11- Khởi đầunăm học: 2022-2023, kỳ thi học sinh giỏi môn Quốc phòng- An ninh nhà trường đạt giải khuyến khích toàn đoàn và vinh dự có 01 học sinh được lựa chọn vào đội tuyển dự thi Hội thao giáo dục QP-AN toàn quốc lần thứ III (Em: Nguyễn Thành Đông). Bên cạnh hoạt động chuyên môn, Đảng bộ nhà trường còn đặc biệt quan tâm chỉ đạo bồi dưỡng thế hệ trẻ thành những “ hạt giống đỏ”, “vừa hồng, vừa chuyên”, vừa có bản lĩnh chính trị vững vàng, vừa có trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Trong 2 năm đầu của nhiệm kỳ mới nhà trường đã có 138 học sinh đã được tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng và có 23 học sinh được vinh dự kết nạp Đảng tại trường.            
          Năm 2022, kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (1982-1922) Trường THPT Hoàng Lệ Kha - Tiền thân trường PTTH Trung Sơn (1981-2022) bước sang tuổi 41. Hòa cùng với không khí thi đua sôi nổi hướng về ngày Nhà giáo Việt Nam, CBGV, nhân viên và học sinh nhà trường như được tiếp thêm một luồng sinh khí mới. Các thầy cô miệt mài trên từng trang giáo án, các tiết dạy đều được chuẩn bị công phu, áp dụng công nghệ thông tin, linh hoạt và sáng tạo, tự tin trong việc đổi mới phương pháp dạy học, thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các khối, các lớp học thi đua với “Tiết học hay, giờ học tốt”, thi viết báo tường, văn nghệ kỷ niệm về thầy cô, và nhiều các hoạt động khác qua tiết trải nghiệm sáng tạo,…Hy vọng và tin tưởng rằng, ngôi trường Hoàng Lệ Kha thân yêu ngày càng có nhiều những con người vừa “hồng”, vừa “chuyên”, “thực tâm”, “thực tài” luôn tạo được những “đột phá về chất lượng”, không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên làm tròn trách nhiệm “rèn đức, luyện tài” và cho ra đời những “sản phẩm cao quý”. Từ mái trường thân yêu này, hàng ngàn học sinh đã và sẽ trưởng thành tung cánh bay đi tới mọi miền đất nước góp phần xây dựng Tổ quốc Việt Nam XHCN./.
 
                                                                    Hà Trung, ngày 10 tháng 11 năm 2022
                                                                                 P. Hiệu Trưởng
 
                                                                         
                                                                                   Tống Thị Bích